Công cụ thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế
Công tác thu hút đầu tư đều giới thiệu KCN đã quy hoạch với những thuận lợi và điều kiện ưu đãi đối với các nhà đầu tư vào KCN, như : Hạ tầng sẵn có, được cấp quyền sử dụng đất lâu dài, có sẵn nhà máy xử lý nước thải, cơ chế quản lý một cửa một đầu mối, đất đai đã được đền bù giải tỏa, ưu đãi về thuế¼ Điều này đã thực sự hấp dẫn và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vốn dĩ rất lo ngại về cơ sở hạ tầng không đầy đủ, đồng bộ và các thủ tục hành chính của nước chủ nhà.
Cùng với chính sách khuyến khích đầu tư vào KCN, hiện nay nhà nước cũng đang tiến hành di dời hàng loạt các doanh nghiệp trong nội thành gây ô nhiễm môi trường vào các KCN, do đó KCN không chỉ là địa chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài mà cả các nhà đầu tư trong nước, thúc đẩy quá trình huy động vốn đầu tư cho công cuộc công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước.
Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực
Đối với các nhà đầu tư, mục tiêu cao nhất là thu được lợi nhuận tối đa, chi phí đầu tư thấp, do đó với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật sẵn có của KCN nhà đầu tư có thể xây dựng ngay nhà máy, tiết kiệm thời gian và tiền bạc, không bỏ lỡ cơ hội đầu tư.
Sự thuận lợi về nguồn lao động, điện, nước, giao thông, thông tin liên lạc và bố trí các cơ sở vật chất đồng bộ, hợp lý, giúp cho quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh được nhanh chóng, hạn chế thấp nhất sự gián đoạn trong sản xuất do những điều kiện khách quan gây ra. Công suất thiết bị được sử dụng cao nhất, hàng hoá sản xuất ra cũng nhanh chóng được đưa vào lưu thông, giảm thiểu chi phí vận chuyển và bảo quản.
Các KCN được quy hoạch phát triển theo từng ngành, nghề nên việc khai thác tài nguyên trở nên có khoa học và có hiệu quả, tránh được sự lạm dụng, khai thác triệt để, dẫn đến làm kiệt quệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Đầu mối tạo việc làm, hình thành các thị trấn và khu dân cư để thực hiện đô thị hóa nông thôn
Các KCN sử dụng một lực lượng lao động khá lớn. Trên cơ sở cạnh tranh để thu hút lao động, người lao động có cơ hội được cải thiện chế độ tiền lương, điều kiện làm việc, chính sách thỏa đáng hơn trong tuyển dụng, sử dụng và đào tạo.
Các KCN ra đời làm phong phú thêm hoạt động dịch vụ giao thông vận tải, thương mại, giáo dục¼ tạo nhiều loại nhu cầu cho xã hội và những nhu cầu này đã kích thích hoạt động của các ngành khác. Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia lao động, cứ một lao động trực tiếp sẽ cần khoảng 2 lao động gián tiếp [17]. Do đó, chỉ với một KCN khá lớn sẽ hình thành các khu dân cư, khu thị trấn, góp phần làm cho toàn bộ hoạt động đời sống văn hoá của dân cư ở các vùng này phát triển.
Tạo điều kiện cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao và kinh nghiệm quản lý
KCN được xem như là yếu tố thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Thực vậy, để đảm bảo hiệu quả hoạt động, nhà đầu tư thường trang bị công nghệ tương đối hiện đại, đồng bộ, bằng hoặc cao hơn so với các thiết bị tiên tiến đã có trong nước chủ nhà và thuộc loại phổ biến ở các nước công nghiệp trong khu vực, làm cho mặt bằng chung về công nghệ của nền sản xuất trong nước được nâng lên.
Hoạt động chuyển giao công nghệ đã giúp người lao động nắm bắt được những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới và học tập được kinh nghiệm quản lý kinh tế của các công ty nước ngoài.
Góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Việc tập trung phần lớn doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp gây ô nhiễm vào các KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung, có hệ thống thu gom và xử lý chất thải đã góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhà nước chỉ cần kiểm soát môi trường qua hệ thống cống thoát chung của KCN.
Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa
Trong xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra như hiện nay, các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển phải chấp nhận một cuộc cạnh tranh gay gắt mà trước hết là tại thị trường trong nước với các công ty nước ngoài. Trong bối cảnh đó, KCN đã đóng góp to lớn vào việc tăng trưởng kinh tế của đất nước, làm chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp và cơ cấu kinh tế, góp phần thực hiện chiến lược sản xuất thay thế nhập khẩu và hướng về xuất khẩu mà một số nước đã thực hiện. Việc phát triển thành công các KCN sẽ góp phần đẩy mạnh xuất khẩu, tạo tích lũy để trang bị kỹ thuật hiện đại cho nền kinh tế.